Du Lịch Văn Hóa Việt

www.vanhoaviet.biz.vn

Archive for the ‘Khám phá’ Category

Kỳ ảo chùa hang đá không sư ở Lý Sơn

Posted by thereds2009 trên 14/07/2009

Ẩn mình trong hang đá, một mặt quay ra biển Đông, chùa “không sư” ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi luôn hút du khách trong vùng và thập phương đến thăm viếng trong những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, Vu lan, Phật đản…

Ngôi chùa có tên là “Thiên Khổng Thạch Tự” (Chùa hang đá trời sinh) nhưng do không có sư trụ trì nên người dân địa phương goi là “chùa không sư”. Ông An, người ngày ngày hương khói, quét dọn chùa, cho biết: “Nhiều nhà sư đến với chùa nhưng chỉ ở thời gian ngắn rồi ra đi, không hiểu vì sao”. Hiện chùa được một nhóm tăng ni, phật tử trong huyện đảo Lý Sơn thay nhau trông nom, quét dọn và hương khói. Chùa được xếp hạng thắng cảnh quốc gia từ năm 1994.

Chùa không sư vốn là một hang đá lớn nằm trong lòng núi Thới Lới, hình thành từ nham thạch của núi lửa thời tiền sử, hướng ra biển Đông. Ông Trần Công Bạch cùng các bậc tiền hiền làng An Hải lập chùa cách đây hơn 400 năm dưới triều vua Lê Kính Tông.

Hang dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, diện tích chừng 480 m². Ngay trước chùa có hồ sen hình bán nguyệt, những cây bàng biển cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có hình thù kỳ quái và tượng Phật bà Quán Thế Âm hướng ra biển Đông phù hộ cho chuyến đi biển của ngư dân đảo luôn bình yên trở về. Phía xa xa là các mỏm đá nhô ra, bãi cát trắng sạch lấp lánh vỏ sò, vỏ ốc.

Quang cảnh bên trong của chùa không sư.

Chùa có bàn thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa, bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái, bàn thờ 12 Diêm Vương, ba vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải bên phải. Các bệ thờ được gia công từ nhũ đá tự nhiên. Đặc biệt có hai lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân bản địa quan niệm là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”. Do đường đi tối, khá nguy hiểm nên lối đi này được chặn lại để tránh bước chân của các vị khách tò mò.

Vào trong chùa, những hạt nước từ thạch nhũ rơi tí tách quyện với mùi khói hương tạo nên không khí trầm mặc. Chùa im lìm dưới lớp đá vôi với những đường vân uốn éo, lồi lõm dấu vết của những con sóng biển hung dữ từng quật vào hang trăm năm trước. Trong cái mờ ảo, lung linh đó, ta như có cảm giác lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Lòng người viếng chùa tĩnh lại, những suy tư, âu lo của cuộc sống bỗng chốc tan biến, chỉ còn lại sự hoà hợp giữa thiên nhiên, con người và một cảm giác thoải mái, thảnh thơi tràn ngập. Đó là những gì chùa hang đá trời sinh gây ấn tượng khi khách vào trong.

Các sự kiện lớn được tổ chức tại chùa hằng năm là ngày Tết Nguyên đán, lễ Vu Lan, Phật đản, ngày giỗ các vị tiền hiền. Vào những dịp đó, nhân dân địa phương tới hành lễ, niệm Phật, chiêm bái rất đông.
(Nguồn: Báo Đất Việt)

Posted in Khám phá | Thẻ: , | Leave a Comment »

Hành trình đến với thế giới của những hang động kỳ vĩ

Posted by thereds2009 trên 09/07/2009

Tú Làn là tên một thung lũng hẹp nằm ở miền rừng núi xã Tân Hóa ở miền tây bắc Quảng Bình. Cái tên đó không được biết đến nhiều, cho đến một ngày hệ thống hang động hoang sơ và kỳ vĩ nơi đây được tìm thấy.

Những cung đường trên vách núi tai mèo

Suốt 30 phút trên con đường hẹp vào xã Tân Hóa, có một điều khá lạ lùng khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn là người dân nơi đây ai cũng đi tất và dép rọ, loại dép làm bằng nhựa tái sinh có quai hậu.

Nhưng câu trả lời dễ dàng được tìm thấy khi trước mắt đoàn thám hiểm “nửa mùa” là những rặng núi đá vôi cao chất ngất, những cung đường gập ghềnh và cheo leo trên vách đá tai mèo xen kẽ với những con suối mà người dân ở đây gọi là “rục”. Nếu không có tất, đá dăm sẽ luồn vào chân đau buốt. Và không có dép rọ với đế bám, chỉ cần một cái trượt chân là không có cơ hội sửa sai.

Bỏ lại mọi phương tiện, tư trang, trong hành trang của đoàn chỉ còn máy ảnh, camera, đèn pin, đồ ăn khô và nước uống. Người dẫn đường quán triệt: “Đường đi phải vượt ba hung (tức thung lũng, theo cách gọi của người địa phương), ba đỉnh lèn. Càng vào sâu đường càng khúc khuỷu, ai không đi được cứ ở lại từ đầu”.
Những con ghềnh dựng đứng đầy thách thức.

Nhưng chẳng có ai “ở lại từ đầu”, khi tất cả đều tò mò muốn khám phá vùng đất kỳ bí này. Những câu chuyện kể về căn nguyên tên gọi một số địa danh ở đây khiến chúng tôi vơi đi cảm giác mệt mỏi. Con đường vượt rục Pôộc, rục Ton, xuyên núi đá, đạp cây rừng dần dần ở lại phía sau. Một chút lười biếng xuất hiện sau khi đã đặt chân tới hang Tố Mộ nhỏ (còn gọi là hang Ton), một hang nằm ở lưng chừng núi. Nhưng sau khi được biết “hang này so với Tú Làn chỉ là quạ với công” thì cảm giác lười biếng đó nhanh chóng qua đi.

Đoạn đầu, cứ hễ qua một ghềnh gấp là chúng tôi đua nhau bấm máy tanh tách. Nhưng đến đầu hung Tú Làn, khi con ghềnh hiện ra cao chót vót và dựng đứng men theo triền đá tai mèo thì chẳng còn tiếng bấm máy nào vang lên cả, tất cả đều hiểu rằng chỉ cần một cái sảy chân, vực sâu sẽ nuốt chửng tất cả. Đó là những con ghềnh giúp phân biệt người trẻ, người già và người miền xuôi, người miền ngược.

10 phút loay hoay, chúng tôi cũng tìm cách vượt qua được ải đá trời này. Nhưng đó cũng là điểm mốc cho những con dốc dựng đứng khác cứ lần lượt hiện ra. Câu chuyện làm quà, tôi hỏi một người địa phương về các loài thú dữ nơi đây thì được anh bảo: “Trước đây nhiều hổ, lắm sơn dương nhưng nay chẳng còn tăm hơi chim cá”. Như sợ tôi thất vọng, anh nói thêm: thú rừng chỉ còn mang, hoẵng, nhưng rắn lục và nhện độc thì còn nhiều lắm!

Loài nhện mà người dân địa phương khẳng định là kịch độc.

May sao, trên những chặng đường phải dùng dao chặt dây rừng, đạp lên gai mây tứa máu để tới Tú Làn không có con rắn lục nào cản đường, và mấy con nhện độc cũng mải miết giăng tơ nên không để ý đến “con mồi” cỡ lớn là chúng tôi.

Gần 4 tiếng đồng hồ giữa rừng già, chúng tôi không khỏi lo lắng khi có những ngả đường mà hai người “thổ địa” cãi nhau xem chọn đường nào. Và đến lúc động cạn Tú Làn tưởng đã hiển hiện trước mắt thì chúng tôi cũng phải quanh co mất gần nửa tiếng mới tìm được cửa hang. Cách 30-40m, cô thôn nữ Tú Làn vẫn dường như vẫn e thẹn nép mình sau những tán cây rừng như trêu ngươi chàng trai lạ.


Động sông ngầm Tú Làn làm đoàn chúng tôi choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ.

Và có đi mới biết con đường này có những đặc điểm rất kỳ lạ là hình như nó tự biết cách xóa mọi dấu vết cũ, bởi chỉ cách đó 3 ngày một người trong đoàn vừa đặt chân tới, nhưng chuyến này mấy lần anh suýt lạc đường nếu không có tiếng “hú” gọi nhau. Còn nữa, có những con ghềnh mà lúc mới đi trong háo hức chẳng ai để ý đến, nhưng đến khi quay về, khi lưng áo đã ướt đầm và đôi chân đã xước chằng chịt vì gai mây, thì người đi mới ngán ngẩm nhìn nó như kẻ vừa tỉnh cơn say nhìn chai rượu đế.

Đáng để càu nhàu khi mà ai cũng cảm nhận được động Tú Làn ở rất gần thì hai người dẫn đường vẫn loay hoay tìm cửa động. Lo lắng, háo hức, mệt mỏi – các cảm giác cứ quyện vào nhau trong chờ đợi. 15 phút trôi qua, bỗng nghe tiếng hú của người dẫn đường, tiếng hú rất gần. Chỉ độ trăm mét nhưng không thể thấy nhau, bởi lá rừng rậm rịt che kín tầm mắt, che kín luôn cả cửa động vốn chỉ rộng độ chục thước.

Không ai bảo ai, tất cả đều ồ lên: “Đây rồi, đẹp quá!”. Động cạn Tú Làn như một thế giới khác khi đã bước chân qua cửa. Càng vào sâu, không gian càng rộng mở.

Bầu không khí ẩm và mát lạnh xóa tan cơn nóng bức mùa hè, những rặng thạch nhũ kỳ vĩ nối nhau đập vào mắt. Thạch nhũ đủ hình hài, màu sắc, có cả nhũ già và nhũ trẻ xen cài lên nhau như trò chơi xếp hình của tạo hóa. Những khối nhũ đủ gợi cảm để người ta tưởng tượng: nào là tượng Phật bà, nào là mặt người tiền sử, nào là thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh…

Cả một không gian vòm mở ra. Dưới chân tôi, cát vàng rực lên lóng lánh như mặt trời dát vào mặt nước. Có người cam quả đó là vàng sa khoáng. Cũng có đoạn, nền đã được nước khắc thành những văn hoa kỳ lạ, ngoằn nghoèo.

Những văn hoa kỳ lạ trên nền đá và những hạt khoáng lóng lánh trong cát vàng.
Giữa hang, nơi vòm hang sâu chót vót, mọc lên một sân khấu đá nhiều bậc đẹp đến lạ lùng. Theo ánh đèn vàng, tất cả đều toát lên một màu vàng rực. Dưới chân sân khấu, nền hang dát bởi hàng triệu viên đá tròn lẳn như những viên bi ve.

Động tối om, khiến mọi ước đoán về kích thước trở nên mông lung, chỉ biết là theo ánh đèn pin chúng tôi chỉ thấy vòm động cao hun hút và xanh rì một màu đá vôi. Sau khi đi chừng 500m vào cuối hang, ánh đèn pin không thể soi đến một vực sâu đầy nước. Chúng tôi biết có nước, vì ném hòn đá xuống, nghe một tiếng “bõm”.

Trong động, mọi thứ dường như đều tĩnh lặng đến tịch liêu, kể cả mặt nước dưới vực sâu. Chỉ có hai chuyển động mà chúng tôi cảm thấy được là là cuộc đấu tranh tự nhiên âm thầm của một chồi non vừa nẩy và những giọt nước vẫn miệt mài rỉ qua vách đá như đã rỉ để tạo nên vẻ đẹp tiên cảnh này suốt hàng triệu năm.

Bữa ăn “dã chiến” ngon lành trước cửa động Tú Làn.
Gần 1 giờ trong động Tú Làn, với đầy đủ nhưng bức ảnh, thước phim và cảm nhận về nó, chúng tôi hiểu rằng thêm một điều kỳ diệu của thiên nhiên vừa thức giấc. Đoàn quay lưng, Tú Làn lại âm thầm xóa đi những dấu chân người, để âm thầm và kiêu sa chờ đợi những nhà thám hiểm thực thụ, những người hiểu được giá trị thực của Tú Làn sau những rặng đá vôi trầm tích hàng triệu năm.

—-

Chỉ vài ngày sau, khi ký ức về Tú Làn vẫn còn in nguyên, qua điện thoại anh Đinh Vũ Thường (là cộng tác viên “cắm bản” của báo Quảng Bình và là người tham gia dẫn đoàn) hồ hởi: “Sau chuyến đi của chúng ta, sau những bài báo của chúng ta, có vài người đã gọi cho tôi báo thêm những hang động mới quanh khu vực này. Đợi đó, có dịp chúng ta lại đi chứ?”. Tôi gật đầu với anh, cái mảnh đất kỳ lạ này vẫn chưa thôi quyến rũ.

(Nguồn: Dân Trí)

Posted in Khám phá | Thẻ: , | Leave a Comment »

Lang thang cà phê Đà Lạt

Posted by thereds2009 trên 07/07/2009

Tháng Sáu, Sài Gòn “trời mưa, trời mưa không dứt” nhưng cái nóng, cái oi ả vẫn khiến người ta bức bối. Trốn nóng trong một quán cà phê máy lạnh, nhìn qua cửa kính, thấy Sài Gòn mưa mà nóng, tự dưng tôi thèm một ly cà phê Đà Lạt…

Đà Lạt, tháng Sáu cũng mưa, mưa không lớn nhưng cứ rỉ rả, dai dẳng như thấm sâu vào lòng người. Tôi thèm cái cảm giác ngồi co ro nhìn mưa trong quán cà phê cóc chênh vênh giữa dốc dài… Và không chỉ vậy, cà phê Đà Lạt đôi khi còn là những trải nghiệm, những cảm xúc khó quên…

Nhắc đến cà phê Đà Lạt mà không nhắc đến cà phê Tùng là một điều vô cùng thiếu sót. Cà phê Tùng thoạt nhìn không có gì đặc biệt – một quán cà phê nhỏ nép mình khiêm tốn bên hông rạp hát 3/4, ngay khu Hòa Bình – khu vực đông đúc và nhộn nhịp nhất Đà Lạt. Thế nhưng, dường như cái đông đúc, cái nhộn nhịp ấy dừng lại bên ngoài tấm kính của cà phê Tùng. Bên trong, cái không gian rất riêng của quán dường như bất biến với thời gian, với sự thay đổi của cuộc sống. Bao nhiêu năm, vẫn những băng ghế dài kê sát tường, khách uống cà phê ngồi chung với nhau như để truyền hơi ấm. Không gian ấm cúng, khép kín, nơi bạn có thể cảm nhận giọt cà phê rơi hay hơi thuốc lãng đãng của bàn kề bên.

Nép mình khiêm tốn như vậy nhưng cà phê Tùng không chỉ là chốn riêng cho người Đà Lạt. Những dòng du khách cũng đổ về quán. Không biết có phải vì nghe Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và nhiều tên tuổi khác của làng văn nghệ đã từng uống cà phê tại đây?

Người đến rồi đi nhưng cà phê Tùng vẫn vậy, như một dấu lặng trong bài hát về Đà Lạt. Chiếc loa cũ nơi góc tường vẫn dìu dịu những bài nhạc Trịnh… Những lời hát nhẹ nhàng như đang day dứt với một thời xưa cũ…

Cách cà phê Tùng chỉ vài trăm mét là khu cà phê nhộn nhịp nhất Đà Lạt – khu cà phê dốc Nguyễn Chí Thanh. Con dốc dài về đêm nhấp nháy những cái tên đã trở nên quen thuộc với du khách như Nghệ Sĩ, Galy, Phượng Tím… Quán nằm liền quán, ở vị trí đắc địa – gần chợ Đà Lạt. Giá cả phải chăng, trang trí đẹp, phục vụ lịch sự – tất cả những điều này đã khiến các quán cà phê dốc dễ dàng thu hút những đôi chân du khách mỏi nhừ vì dạo phố mua sắm. Riêng tôi lại chỉ thích tầm nhìn của dãy quán này. Chọn một chỗ ngồi sát ban-công, từ độ cao của dốc Nguyễn Chí Thanh, tôi có thể cùng lúc quan sát hai cảnh tượng trái ngược nhau. Bên tay trái là chợ Đà Lạt với những dòng người tấp nập, với những hàng quán rộn ánh đèn, với nhịp sống sôi nổi… Ngược lại, bên tay phải, hồ Xuân Hương lúc ẩn lúc hiện trong sương mờ, tĩnh lặng và lãng mạn…

Ở Đà Lạt, hai quán cà phê có vị trí đẹp nhất phải kể đến là Thủy Tạ và Thanh Thuỷ, nằm bên bờ hồ Xuân Hương. Cả hai quán đều rất sang trọng. Thủy Tạ có lịch sử lâu đời với nét cổ kính nép mình dưới những vòm cây. Ngược lại, đối diện bên kia hồ, Thanh Thủy lại khoe dáng với đường nét kiến trúc hiện đại, khỏe khoắn. Người ta vẫn gọi đùa, hai quán này vào buổi tối có đặc sản “cà phê run”. Khách uống cà phê ngồi sát bờ hồ, đầu tiên “run” vì từng đợt gió lạnh, vì hơi nước, vì sương mù… Đến khi gọi tính tiền, họ lại “run” lần nữa vì giá thức uống của hai quán này khá cao so với các quán cà phê khác tại Đà Lạt…

Cà phê Thủy Tạ

Rời hồ Xuân Hương, qua chợ, ngược về Phan Bội Châu, kế bên trạm xe Thành Bưởi là quán cà phê có kiến trúc độc nhất vô nhị tại Đà Lạt nói riêng và cả Việt Nam nói chung – cà phê Trăm Mái. Kiến trúc sư “quái kiệt” Lữ Trúc Phương đã làm “điên đầu” không biết bao nhiêu khách uống cà phê tại quán này. Quán như một hang động với nhiều ngõ ngách, nhiều góc khuất, nhiều thiết kế kỳ dị, đầy tính ngẫu hứng. Một chân dù bằng sắt, một cái  sọt tre… cũng thành một phần kiến trúc của quán khi được dán dính lên trần nhà, lên tường. Đã có lúc vào Trăm Mái uống cà phê, lúc tính tiền xong tôi mới phát hiện mình quên mất đường ra cửa…

Một góc cà phê Trăm Mái

Kế bên dinh III – biệt điện Bảo Đại có một đồi thông hoang vắng. Trên đỉnh đồi thông ấy chơ vơ một ngôi nhà, một quán cà phê “độc” và lạ của Đà Lạt – cà phê Cung Tơ Chiều. “Độc” và lạ ở chỗ quán chỉ mở cửa vào buổi tối, khách muốn lên quán phải lần mò theo ánh sáng điện thoại di động, len lỏi ngược dốc lên đỉnh đồi. Đến nơi, chỉ thấy một ngôi nhà âm u, leo lét ánh nến. Đôi khi, vài khách nữ lần đầu lên đến được đây lại vội vã quay về vì… sợ ma. Can đảm bước vào trong thì lại gặp phục vụ quán mặt lạnh như băng, đôi khi ngồi rất lâu vẫn không có nước uống.

Khách vào quán nếu nói chuyện to hơn tiếng nhạc hoặc không tắt chuông điện thoại có thể bị chủ quán đuổi thẳng. Vậy điều gì đã khiến Cung Tơ Chiều vẫn được nhiều người tìm đến? Đó là khi chị Giang – chủ quán ôm lấy cây guitar và bắt đầu cất tiếng hát. Mộc mạc, tự nhiên, không cần micro, không cần hệ thống tăng âm, tiếng hát và tiếng đàn cứ quyện vào nhau. Giọng của chị khàn khàn, đầy chất lửa và đặc biệt là ma quái, ma quái như quán Cung Tơ Chiều, như vẻ ngoài của chị với khuôn mặt lúc nào cũng như khuất sau mái tóc, khuôn mặt như ẩn vào bóng tối, thấp thoáng sau đốm thuốc lập lòe của chị.

Tôi đã từng uống ở Cung Tơ Chiều vài lần, từng hát vài bài với chị, nhưng vẫn không cách nào nhớ rõ được khuôn mặt ấy. Suốt buổi tối, chị cứ hát, từ Trịnh Công Sơn, rồi Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương… Đôi khi dừng lại nói chuyện vài câu, mời vài người khách cùng hát…

Lần nào cũng vậy, rời Cung Tơ Chiều, đầu tôi cứ lẩn quẩn những ca từ trong một bài hát mà tôi cho rằng chị hát hay nhất: “…Làm sao giết được người trong mộng? Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng…”. Bài hát này nếu nghe ở nơi khác, tôi chắc chắn không thích, nếu không muốn nói là ghét. Nhưng ở Cung Tơ Chiều, nghe chị hát, tôi lại nổi da gà theo đúng nghĩa đen. Tôi vẫn băn khoăn không biết khí hậu Đà Lạt, sương mờ của đồi thông hay những ẩn ức trong cuộc sống của chị được truyền vào câu hát đã tạo nên cảm giác ấy cho tôi…?

Mimosa Đà Lạt

Cà phê Đà Lạt còn rất nhiều cái tên đáng để nhắc đến như Eros, Mộc, Cung Đàn Xưa… mà trong phạm vi hạn hẹp của một bài viết không thể kể hết. Người ta nói Đà Lạt đang ngày trở nên nhàm chán khi khí hậu nóng hơn ngày xưa, thông ít hơn, sương mù nhạt hơn…; khi những Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Cam Ly… đã quá quen thuộc với du khách… Riêng với tôi, Đà Lạt vẫn rất đẹp. Đẹp vì khi đặt chân đến thành phố này, vẫn còn những buổi tối lang thang cà phê. Đôi khi, cà phê chỉ là cái cớ để có dịp tận hưởng chút se lạnh của cao nguyên, ngắm nhìn vẻ lãng mạn của phố núi, để thấy thời gian trôi chậm lại, thấy lòng mình bớt chai sạn hơn…

(Nguồn: Phụ Nữ  Online)

Posted in Khám phá | Thẻ: , | Leave a Comment »

Vũng Tàu 10 điểm đến ngoài tour

Posted by thereds2009 trên 04/07/2009

Hầu như người Sài Gòn ai cũng từng có dịp đi Vũng Tàu –  một địa danh du lịch rất quen thuộc. Nhưng có một Vũng Tàu khác, với những điểm đến ít có trong tour của các công ty du lịch…

1- Ngắm Vũng Tàu từ tàu cánh ngầm

Vũng Tàu chỉ cách TP.HCM 110km với 2h30 phút xe tốc hành máy lạnh. Thế nhưng bạn hãy thử một lần lướt sóng cùng tàu cánh ngầm để có một cảm giác mới lạ hơn. Xuất phát từ bến Bạch Đằng, tàu chạy êm ru trên dòng sông êm đềm, len lỏi giữa những rừng cây xanh ngát. Chỉ sau 1h15phút cửa biển mênh mông hiện ra trước mắt. Từ khoang tàu, bạn thỏa thích ngắm nhìn thành phố Vũng Tàu, với Núi Lớn, Núi Nhỏ ẩn hiện xa xa. Giá vé tàu 160.000đ/người, mỗi ngày có 4 đến 6 chuyến đi về, khá tiện lợi .

Lướt sóng cùng tàu cánh ngầm

2- Êm đềm bãi Chí Linh

Bãi Trước, Bãi Sau đông nghẹt người tắm biển là quang cảnh thường thấy ở Vũng Tàu. Nếu không muốn chen nhau thuê dù, ghế… với giá cắt cổ, tắm biển xong lại chen nhau tắm nước ngọt, mời bạn đến với bãi biển Chí Linh. Nằm ngay ngã tư đường 3/2 và Nguyễn Hữu Cảnh, chỉ cách khu trung tâm 3km, Chí Linh đã được quy hoạch thành làng du lịch khá đẹp. Bãi biển vắng vẻ thơ mộng, bạn tha hồ tắm biển và nằm thư giãn, phơi nắng cả ngày mà không bị hàng rong quấy rầy.

Bãi biển thơ mộng êm ả

3- Chùa Quan Âm bãi Dâu

Niết Bàn Tịnh Xá, Linh Sơn Cổ Tự…  là những ngôi chùa quen thuộc nằm trong các tour du lịch. Mời bạn đến thăm một ngôi chùa khác nằm trên đường Trần Phú –  chùa Quan Âm Bồ Tát. Chùa tĩnh lặng nhìn xuống Bãi Dâu sóng vỗ rì rào. Nổi bật giữa khung cảnh chùa là tượng Phật Bà Quan Âm cao 16m đứng trên tòa sen trắng.

Quan âm Bồ tát Tự

Tượng Đức Mẹ bồng con

4- Tượng Đức mẹ bồng con trên núi

Tượng Chúa Kitô giang tay nằm trên núi Nhỏ là một thử thách cho các bạn trẻ khi phải vượt qua cả ngàn bậc thang để lên đến đỉnh. Nếu đã có tuổi hoặc thể lực không cho phép, bạn hãy lên thăm tượng Đức Mẹ bồng con trên đường Trần Phú, gần quán ăn Cây Bàng. Độ cao ở đây thấp hơn, nhưng cũng vừa đủ đẹp để ngắm nhìn biển và chụp ảnh. Tượng Đức Mẹ cao 27,5m nằm ở độ cao 60m cách mặt biển, dưới chân tượng, ở độ cao 25m, là Đền Thánh. Ngày xưa khu này là rừng rậm hoang vắng, đến đầu thế kỷ 20 giáo dân mới khai phá trồng dâu nuôi tằm. Tên gọi Bãi Dâu bắt nguồn từ đấy.

5- Chinh phục hải đăng Vũng Tàu

Hải đăng Vũng Tàu là ngọn đèn biển có hình tháp tròn đường kính 3m, cao 18m nằm trên đỉnh núi Nhỏ ở độ cao 170m so với mặt biển. Chinh phục Hải Đăng khá dễ dàng, chỉ cần 10 phút xe gắn máy là bạn đã ở trên đỉnh Núi Nhỏ lộng gió. Từ đây bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Vũng Tàu với 3 mặt là biển xanh ôm ấp. Lần theo đường cầu thang xoáy ốc lên đỉnh tháp , chạm tay vào bóng đèn biển khổng lồ chiếu xa 35 hải lý là một cảm giác thật khó tả.

Tượng Chúa giang tay nhìn từ ngọn hải đăng

Hòn Bà nằm giữa bốn bề sóng biển

Thủy triều xuống hé lộ đường ra Hòn Bà

6- Vượt biển thăm hòn Bà

Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ nằm trên biển, cách mũi Nghinh Phong 200m, giữa bốn bề nước biển. Tuy nhiên bạn vẫn có thể vượt biển ra thăm Hòn Bà mà không cần tàu thuyền gì cả. Hãy đợi buổi chiều, khi thủy triều xuống, con đường đá sỏi dẫn từ bờ cát ra đảo dần dần lộ ra. Lúc này bạn ung dung dạo bước trên biển, nước xâm xấp dưới chân mát lạnh. Trên đảo có miếu thờ Bà và một hầm bí mật, nơi hội họp của chiến sĩ cách mạng hồi xưa. Nhưng bạn hãy nhớ quay trở về đất liền trước khi trời tối, lúc thủy triều bắt đầu lên từ từ ngập hết con đường!

7- Câu cá với dân làng chài

Làng chài Bến Đá nằm cách thắng cảnh náo nhiệt Thích Ca Phật Đài chỉ vài trăm mét, nhưng khung cảnh khác hẳn. Để vào làng bạn sẽ đi qua những con đường cá khô thơm nắng vàng hiền hòa tĩnh lặng. Thời tiết đẹp, bạn có thể theo dân chài làm một buổi câu cá gần bờ hết sức thú vị. Chỉ sau nửa giờ rời bến tàu là đến điểm buông câu. Bạn sẽ được hướng dẫn sử dụng cần câu, mắc mồi câu, thả câu và chờ đợi những chú cá mú, cá hồng, cá ngát… cắn câu. Cảm giác tự tay giật cần câu với chú cá gần cả ký lô nặng trĩu thật khó quên. Thành quả lao động lập tức được chế biến đơn giản ngay trên tàu thành bữa tiệc hải sản dã chiến. Cá hồng nướng muối ớt, cá mú nấu cháo, cá ngát thì nấu lẩu… Thêm vài ly đế trong mắt mèo, tâm hồn như chếnh choáng cùng sóng biển !

Đường vào làng chài

8- Nhà thờ Bến Đá

Đến thăm làng chài mà không ghé nhà thờ Bến Đá thì thật thiếu sót. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt, tiệc tùng, cưới hỏi.. của dân làng chài. Nằm trong khuôn viên thoáng mát, nhà thờ có kiến trúc hết sức đặc sắc, với thiết kế như một con thuyền trắng khổng lồ đang giương buồm hướng ra biển.

Nhà thờ Bến Đá như một con tàu lướt sóng ra khơi

9- Đài liệt sĩ Vùng Tàu

Nằm ở vòng xoay giao lộ 3/2 và Lê Hồng Phong – cũng có tên là vòng xoay Đài Liệt Sĩ – ngay Bãi Sau, điểm tham quan này bao gồm một Đài liệt sĩ nằm giữa vòng xoay và một đền thờ nằm trên đỉnh đồi bên cạnh. Đây là địa điểm vui chơi và hóng mát mỗi chiều của dân địa phương. Vào những buổi chiều rảnh rang, bạn hãy thuê một chiếc xe đạp dạo vòng vòng Đài Liệt Sĩ rồi lên đỉnh đồi ngồi trên bãi cỏ ngắm cảnh thành phố biển chiều tà rất thú vị. Có rất nhiều điểm cho thuê xe đạp đôi dọc Bãi Sau, giá thuê là 15.000đ/chiếc.

Đền thờ liệt sĩ Vũng Tàu

Khách Tây đạp xe dạo phố biển

10- Vũng Tàu ẩm thực

Bánh khọt là đặc sản danh tiếng Vũng Tàu. Nhưng ngoài bánh khọt, bánh bèo Tuyết Mai đường Phan Chu Trinh cũng là món quen. Quán nằm trong vườn cây rộng mát. Nước chấm ở đây thuộc hàng số dzách. Ngoài bánh bèo ra bạn còn có thể gọi nem nướng, gỏi cuốn…

Nếu thích ăn hải sản, đừng nghĩ Vũng Tàu chỉ có quán Cây Bàng. Đến thăm làng chài Bến Đá trên đường Trần Phú, bạn hãy ghé qua chợ hải sản. Nơi đây có một loạt vựa như: Thành Phát, Hồng… bán hải sản tươi ngon vừa được đánh bắt mà giá cả rất mềm. Vũng Tàu còn có quán lẩu cá đuối 40 Trương Công Định ngon quên trời đất, ngồi lề đường, ngắm thành phố, ăn miếng cá ngon ngọt, bạn cảm thấy mình không khác gì dân nhậu Vũng Tàu “chính hiệu con nai vàng”.

Bánh khọt, đặc sản Vũng Tàu

Còn nếu đã quá quen với đồ biển và muốn đổi món? Đến Bảy Chuyển II ăn thịt rừng hay Vườn Bàng đường Nguyễn Thái Học ăn thịt nướng xiên cũng là ý hay. Gia vị ướp thịt nướng đúng kiểu Nga ở Vườn Bàng đã làm nên tên tuổi của quán. Khách tây, các chuyên gia Nga mỗi chiều đến đây đông kín, ai cũng thích thú hít hà khói tỏa lên từ các xiên thịt nướng!

Phố ăn đêm đường Đồ Chiểu cũng là nét đặc trưng của Vũng Tàu. Sau một ngày tắm biển, tham quan, leo núi…, hãy làm một tô cháo bồ câu nóng hổi, lặng lẽ nhìn thành phố về khuya, để thấy, vùng đất này tuy thân thương, quen thuộc mà vẫn còn nhiều điều mới lạ cần khám phá…

(Nguồn: Phunuonline)

Posted in Khám phá | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Chùm ảnh: 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới

Posted by thereds2009 trên 03/07/2009

Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) vừa mới công bố kết quả 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới do bạn đọc của tạp chí này bình chọn, trong đó có tên Sa Pa của tỉnh Lào Cai (Việt Nam).

Bảy ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới gồm: Banaue (Philippines); Yuangyang (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); Ubud (Bali, Indonesia); Annapurna (Nepal); Mae Rim (Chiang Mai, Thái Lan); Sa Pa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam); Long ji (Quế Lâm, Trung Quốc).

Chùm ảnh: 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới
Ruộng bậc thang ở Sa Pa.

Chùm ảnh: 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới

Ruộng bậc thang ở Yuangyang.

Chùm ảnh: 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới

Ubud.

Chùm ảnh: 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới

Mae Rim.

Chùm ảnh: 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới

Annapurna.

Chùm ảnh: 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới

Long ji.

Giới thiệu về ruộng bậc thang và vùng du lịch Sa Pa nổi tiếng của Việt Nam, tạp chí Travel and Leisure viết: “Với cảnh quan tuyệt vời trông giống như chiếc thang leo lên bầu trời, những thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa (thuộc tỉnh Lào Cai) đã trở thành một trong những điểm thu hút du khách.

Du khách thưởng thức chuyến hành trình bằng xe lửa từ Hà Nội lên thành phố Lào Cai rồi đi ô tô vào thăm khu du lịch Sa Pa, trước khi ngoạn cảnh những đồng lúa vào mùa và chiêm ngưỡng những cô gái Mông, Dao với trang phục đầy màu sắc và hiếu khách tại một nơi có thể nhìn thấy ngọn núi Fancifan cao nhất Việt Nam (3143 mét)…”.

(Nguồn: Giadinh.net.vn)

Posted in Khám phá | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Huyền thoại thác Tình yêu (Lào Cai)

Posted by thereds2009 trên 26/06/2009

Thác Tình yêu nằm ở xã San Sả Hồ, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4 km về hướng Tây Nam và cách đèo Ô Quí Hồ ước chừng 3km theo đường chim bay. Nơi đây có trái núi xẻ đôi, đồng thời cũng là điểm bắt đầu của hành trình tour Du lịch leo núi chinh phục đỉnh Phan – Xi – Păng.

https://i0.wp.com/www.baolaocai.vn/UserFiles/Image/thang%207/5/thac/thac-bac.jpg

Thác Tình yêu bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên, nơi còn giữ được thảm thực vật khá nguyên vẹn, có nhiều loại cây quí hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam. Thác chảy qua nền địa hình cao, dốc, nên tốc độ dòng chảy mạnh và xiết. Lớp đá của dòng nước dưới chân thác ánh lên một màu vàng kỳ lạ, nhất là dưới ánh mặt trời làm cả dòng suối long lanh sắc vàng.

Con đường mòn đất đỏ đưa du khách đi qua khu rừng bạt ngàn một màu xanh của trúc, tiếng lá cây xào xạc lẫn trong từng cơn gió, rồi chợt bừng lên muôn vàn sắc màu của các loài hoa Đỗ Quyên. Du khách lội qua một con suối nữa là tới thác nước, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến tham quan.

Thác nước từ trên cao gần một trăm mét đổ xuống dữ dội mang theo hơi lạnh đến run người, những giọt nước trắng xoá tung ra từ đỉnh thác tạo thành màn sương mỏng che khuất rừng cây hai bên thác. Dữ dằn là vậy nhưng ta vẫn cảm nhận thấy “cái hồn” của con thác được dệt lên từ “nhịp đập” của tình yêu và tên gọi thác Tình yêu đi vào lòng người dân từ lúc nào.

Thác đổ xuống tạo thành một bồn tắm thiên nhiên tuyệt đẹp, các nàng tiên trong câu chuyện kể của người xưa đã chọn nơi đây làm bến tắm và mải mê chơi đùa cho đến khi mặt trời đã xuống núi mới bay về trời.

Đến thăm thác Tình yêu du khách còn được nghe kể về chuyện tình của chàng tiều phu và nàng Tiên thứ bảy bên dòng thác trắng: “Các nàng Tiên say mê trước cảnh đẹp của cỏ cây hoa lá, cảnh đẹp của dòng thác, như tuôn chảy từ trời xanh mây thắm nên đã xuống nơi đây để tắm. Trước khi về trời các nàng Tiên thường phơi xiêm y trên những khóm hoa sặc sỡ, trên thảm cỏ mướt xanh. Một lần kia, nàng Tiên thứ bảy phát hiện bên dòng suối có một chàng tiều phu đang nấu cơm, vừa nấu cơm chàng vừa lấy cây sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo của chàng nghe vời vợi, khi như tiếng suối reo, khi líu lo như tiếng chim rừng… Một lần do mải nghe tiếng sáo của chàng, nàng quên mất đường về, đêm xuống những cơn gió núi như thổi từ các hốc đá lạnh run người, nàng đến bên đống lửa của chàng. Nàng biết được, chàng tên là Ô Qui Hồ, con trai cả của Thần núi ngự trị trên dãy núi Ai Lao, vì mê loài trúc nơi đây (đã làm nên những cây sáo kỳ diệu) mà quên phận sự của con trai cả là phải tu luyện để nối nghiệp cha. Có lẽ vì giận chàng nên Thần núi cha chàng đã hoá phép biến chàng thành người thường thả xuống đỉnh núi này để trồng trúc, chăn mây và thổi sáo. Đêm ấy, bên ánh lửa bập bùng, bên thác Tình yêu, người con trai của Thần núi đã thổi sáo cho nàng Tiên thứ bẩy nghe những bản tình khúc mê hồn, tiếng sáo của chàng hay đến nỗi hươu nai, hổ báo, chim rừng và cả cá dưới suối cũng rạch lên bờ nhảy múa theo giai điệu của tiếng sáo du dương và tiếng thác chảy tuôn trào. Hai người cùng nhau trò chuyện cho đến khi ánh mặt trời chói chang rọi xuống mặt đất nàng mới vội vã bay về trời. Ngày nào cũng thế, cho đến một hôm nàng bị cha mẹ phát hiện và không cho nàng theo các chị xuống thác Tình yêu tắm nữa. Nàng nhớ chàng tiều phu nên chiều nào cũng ra cổng trời nhìn xuống thác Tình yêu và nghe tiếng sáo nhưng không thấy chàng đâu. Nàng buồn phiền biến thành một loài chim màu vàng bay quanh đỉnh núi và tiếng kêu Ô Qui Hồ, Ô Qui Hồ da diết không nguôi.

Đến nay, tiếng chim gọi bạn vẫn da diết vào mỗi buổi chiều buông, làm cảnh vật thiên nhiên tuy đẹp nhưng nhuốm màu buồn chia ly.

Thác Tình yêu chứa đựng sức hút du lịch rất lớn, tuy nhiên hiện nay, địa điểm này còn mới mẻ với du khách. Nếu biết khai thác sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Sa Pa.

(Nguồn: Tổng Cục Du Lịch)

Posted in Khám phá | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Lào Cai: trắng trời hoa mận Tam Hoa

Posted by thereds2009 trên 25/06/2009

Trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu 2009, lên thăm vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) du khách thập phương và các nhà nhiếp ảnh có thể thỏa sức đắm mình trong màu trắng bạt ngàn của rừng hoa mận Tam Hoa.

Hoa mận nở trắng đồi – Ảnh: Hồng Thảo

Bắc Hà là huyện vùng cao của Lào Cai, nằm trên độ cao trung bình hơn 1.200 so với mực nước biển, vì thế còn được mệnh danh là cao nguyên trắng. Ở Bắc Hà, sau Tết nguyên đán, hoa mận Tam Hoa nở trắng xóa khắp các sườn đồi, thung lũng quanh thị trấn.

Bạt ngàn hoa mận trắng – Ảnh: Hồng Thảo

Cách đây gần 30 năm, kỹ sư nông nghiệp Vũ Đức Lợi – Trạm trưởng Trạm nghiên cứu giống cây ăn quả Bắc Hà đã di thực và lai ghép thành công với giống mận chua địa phương, để tạo ra giống mận quý mang tên mận Tam Hoa. Giống mận Tam Hoa sống khỏe, sai quả, quả to, giòn ngọt, màu tím đẹp.

Người dân Bắc Hà đang chăm sóc cây mận Tam Hoa – Ảnh Hồng Thảo

Hiện nay huyện Bắc Hà đã trở thành một vùng trồng cây mận Tam Hoa hàng hóa tập trung, rộng gần 1.400 ha, lớn nhất tỉnh Lào Cai và cả vùng miền núi phía Bắc, với sản lượng hàng năm từ 10 – 15 ngàn tấn, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương, được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” hiệu quả ở vùng cao nơi đây.

Bắc Hà mùa hoa mận trắng – Ảnh: Hồng Thảo

Theo người dân trồng mận, năm nay hoa mận ra rất đều, thời tiết thuận lợi, khả năng đậu quả sẽ rất cao.

Một chú ngựa trong vườn mận Tam Hoa – Ảnh: Hồng Thảo

Mùa hoa mận nở trắng rừng cũng là thời điểm đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Hà mở hội xoè xuống đồng rộn rã, đậm bản sắc dân tộc vùng cao. Gần đây, du khách trong và ngoài nước thích khám phá cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Em bé Bắc Hà bên hoa mận – Ảnh: Đinh Viết Vinh

Lên Bắc Hà mùa này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cao nguyên trắng bồng bềnh, thơ mộng và quyến rũ .

Bắc Hà bạt ngàn hoa mận trắng – Ảnh: Hồng Thảo

(Nguồn: Tuổi Trẻ Online)

Posted in Khám phá | Thẻ: | Leave a Comment »

Tour mới Bình Thuận: Tắm thác Yavly, thăm cù lao Câu

Posted by thereds2009 trên 25/06/2009

Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công ty dã ngoại Lửa Việt (TP.HCM) đưa ra tour mới chuyên biệt về dã ngoại tại địa bàn huyện Tuy Phong: đi bộ xuyên rừng vào tắm thác Yavly, lên thuyền ra thăm cù lao Câu.

Biển Bình Thuận đầy nét hoang sơ – Ảnh: KH.NGỌC

Khởi hành từ TP.HCM, tour có hành trình dài 300 km ra đến huyện Tuy Phong. Điểm hấp dẫn dành cho người có máu khám phá là hành trình đi bộ 3 km xuyên rừng “chiến đấu” với vắt để vào đến thác Yavly và tận hưởng những giây phút tắm thác đầy sảng khoái. Ngày hôm sau về lại bãi biển Cổ Thạch để lên thuyền ra khám phá cù lao Câu với các điểm tham quan mới lạ như giếng Tiên, bãi Mê Ly.

Buổi chiều tối, chương trình tour còn có phần giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ đồn biên phòng đóng tại cù lao Câu. Sau khi rời cù lao Câu, trên đường về lại TP.HCM mọi người còn có dịp khám phá suối khoáng Vĩnh Hảo và tắm bùn tại đây.

Đây là tour dã ngoại nằm trong nỗ lực làm mới lại tour du lịch Bình Thuận, với điểm nhấn ăn ngủ đều trong điều kiện dã ngoại giữa rừng và trên cù lao ngoài biển. Các thành viên du lịch trong đoàn sẽ được trải nghiệm cảm giác ngủ dã chiến trong lều hoặc võng giữa rừng. Khách đăng ký tour du lịch này cũng được khuyến cáo mang theo túi ngủ hoặc võng dã chiến. Riêng ban tổ chức sẽ lo trang bị thuốc chống vắt, nón tai bèo, áo mưa.

(Nguồn: Tuổi Trẻ Online)

Posted in Khám phá | Thẻ: , , , , , , , | Leave a Comment »

Phố cổ Đồng Văn

Posted by thereds2009 trên 25/06/2009

Thị trấn Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá, trông như một bức tranh sống động về cuộc sống ở vùng cao lạ lẫm và cổ kính. Buổi sớm, bức tranh là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.

Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, cả cách bày biện phía trong cũng vậy, dễ nhận thấy nhất là những chiếc đèn lồng đỏ cao cao…

Những lối đi dẫn sâu vào phố cổ chốc lát lại bị đánh động bởi một chú mèo chạy vụt qua. Khách phương xa lang thang trong phố cổ, chạm tay lên những bức tường đất, những chiếc cầu thang, những hàng lan can gỗ đã ngả màu thời gian…

Một gian nhà cổ đáng yêu nhất của khu phố là quán cà phê Phố Cổ. Đêm đến ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ soi rõ từng khuôn mặt khách, dường như là những bạn trẻ đến từ Hà Nội. Trong không gian lặng lẽ ấy, chợt vang lên tiếng kèn môi của chàng trai Mông trong giai điệu gọi bạn tình. Vào đêm cuối tuần, quán lại rộn ràng với những chàng trai, cô gái từ các bản được chủ quán mời về hát những bài dân ca, thể hiện những điệu múa giao duyên…

Trung tâm thị trấn Đồng Văn nhìn từ khu phố cổ, đã có nhiều nhà tầng mọc lên cạnh các ngôi nhà cổ
Thiếu nữ người Mông
Các chàng trai, cô gái người Mông với điệu múa truyền thống
Những chiếc đèn dầu chỉ đủ soi tỏ mặt người…
Những ngôi nhà gỗ mang đậm kiến trúc Hoa Nam
Một góc phố cổ Đồng Văn

(Nguồn: Tuổi Trẻ Online)

Posted in Khám phá | Thẻ: , , | Leave a Comment »